Bybiz - Bệ phóng cho những giá trị cốt lõi

Thông Tin Tư Vấn

Thông tin thị trường và cơ hội đầu tư 7 tháng 2019
Thứ bảy, 09:55 Ngày 10/08/2019.

Thách thức của thị trường bất động sản những tháng đầu năm là nguồn cung dần khan hiếm do những khó khăn về khâu phê duyệt, thẩm định dự án. Cơ hội dành cho phân khúc đất và nhà xưởng công nghiệp và nhà liền kề, nhà đi kèm đất, văn phòng cho thuê tăng mạnh. Đối với thị trường hàng hóa, cơ hội mở ra cho Việt Nam khi các FTA thế hệ mới được kí kết và sắp có hiệu lực. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lại tăng. Thị trường lao động chuyển dần cơ cấu sang tuyển dụng lao động có tay nghề, kĩ thuật nhưng vẫn còn cơ hội đào tạo lại cho lao động phổ thông với một số ngành nghề. Thị trường tiền tệ và chứng khoán biến động khó lường theo diễn biến tình hình chính trị - xã hội thế giới.

Thị trường bất động sản: biến động giữa cơ hội và thách thức

Thách thức của thị trường bất động sản những tháng đầu năm là nguồn cung dần khan hiếm do những khó khăn về khâu phê duyệt, thẩm định dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục phê duyệt xây dựng kéo dài trong thời gian gần đây. Nhiều dự án buộc phải hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến đất đai và giấy phép xây dựng trước khi tiến hành mở bán. Một phần của nguyên nhân cũng đến từ sự khan hiếm nguồn cung mới từ khu vực trung tâm. Theo báo cáo của JLL, trong khi khu vực ngoài trung tâm liên tục ghi nhận nguồn cung mới từ cuối năm 2018, nguồn cung hiện hữu trong khu vực Trung tâm khá hạn chế khi không có thêm nguồn cung Hạng A&B mới kể từ khi Deutsches Haus Hồ Chí Minh hoàn thành vào quý 4/2017.

Theo JLL, chính sự khan hiếm cung mới đã giá bán tăng mạnh, nâng mặt bằng giá trung bình thị trường lên mức mới. Cụ thể, mức giá sơ cấp trung bình đạt 2.009 USD/m2, tăng 21.6% theo năm. Trong khi đó, phân khúc cao cấp tăng 52,9% theo năm, ở mức 4.569 USD/m2 trong quý 2/2019 nhờ sự tham gia của một số dự án hạng sang khu trung tâm với giá vượt trội do quỹ đất khan hiếm.

Do đó, giá bán tính trên mỗi dự án tăng trung bình ở mức 6% theo năm, ghi nhận sự cải thiện giá khá tốt trên toàn bộ phân khúc.

Cơ hội dành cho phân khúc đất và nhà xưởng công nghiệp và nhà liền kề, nhà đi kèm đất, văn phòng cho thuê tăng mạnh.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đã khiến nhu cầu thuê đất khu công nghiệp cũng tăng lên. Giá đất trung bình trong quý 2/2019 bị đẩy lên mức 95 USD/m2 cho chu kì thuê, tăng 15.8% so với cùng kì năm ngoái. Đây được xem là mức tăng giá thuê cao đối với thị trường BĐS công nghiệp.

Ngoài ra, giá thuê nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp phía Nam dao động quanh mức 3,5-5 USD/m2/tháng. Mức thuê này tăng nhẹ so với 2 quý trước đó. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt của các khu công nghiệp và khu chế xuất tại miền Nam đạt mức cao với 81%. Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là những địa bàn hút khách nhất bất chấp giá thuê ngày càng leo thang.

Theo dự báo của JLL, thời gian tới, nguồn cung mới của BĐS công nghiệp các tỉnh phía Nam sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp hiện hữu hoặc các khu công nghiệp mới đã được thiết lập để đưa ra thị trường nhằm tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Đại diện JLL Việt Nam nhấn mạnh, giá BĐS công nghiệp bị đội lên cao thời gian qua ở một số khu vực miền Nam phần lớn tác động từ yếu tố căng thẳng Mỹ - Trung. Với tình hình này, giá đất công nghiệp dự báo sẽ còn tiếp tục leo thanh trước xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ở cả phân khúc căn hộ và đất nền; BĐS công nghiệp; BĐS văn phòng đều có xu hướng tăng giá bán và giá cho thuê. Ở phân khúc căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn mức tăng ghi nhận trên dưới 20% trong vòng 1 năm, có những dự án vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín giá thứ cấp có thể đạt 25%/năm.

Trong khi đó, phân khúc đất nền dự án mức độ tăng giá trung bình từ 15-20%/năm, tại các thị trường tỉnh theo nhận định của các chuyên gia ở giai đoạn này do nguồn cung mới khan hiếm nên những nền đất dự án từ dự án cũ mở bán tiếp ghi nhận mức  tăng giá khá ấn tượng. Bên cạnh đó, các dự án “mới tinh” xuất hiện ghi nhận sức hấp thụ khá tốt và tăng giá từ 7-10% theo giai đoạn mở bán.

Ông MacGregor, đại diện công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, người Việt có thói quen ở nhà dưới đất hơn là ở căn hộ. Thói quen này khiến cho nhà phố luôn được người dân săn tìm. TPHCM đang có hơn 10 triệu dân, thế nhưng số dự án nhà phố, biệt thự tại thành phố lại rất khan hiếm. Trong khi tầng lớp người dân có thu nhập khá đang tăng lên mạnh mẽ. Điều này lý giải cho việc nhà phố luôn có thanh khoản rất tốt trên thị trường. Cũng theo ông MacGregor, xu hướng rời khỏi trung tâm chật chội cũng là sự lựa chọn phù hợp của người dân. Ông lấy ví dụ, người dân chọn quận 9, Thủ Đức vì tuyến đường, chọn quận 7, huyện Nhà Bè vì có khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay người dân chọn quận 12, huyện Hóc Môn vì khu vực hệ thống giao thông đang phát triển kết nối về trung tâm thành phố.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group từng cho rằng: Nguồn cung mới khan hiếm chắc chắn một điều giá BĐS sẽ tăng. Để giá BĐS ổn định, người mua nhà có thể tiếp cận được chốn an cư thì câu chuyện cần giải quyết ở đây là nguồn cung ra thị trường. Giải pháp về nguồn cung theo ông Phúc không phải nhất thời/giai đoạn mà là câu chuyện lâu dài, cần được cơ quan chính quyền quan tâm giải quyết.

 

Thị trường hàng hóa: cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Cơ hội thực sự từ CPTPP, EVFTA

Là hiệp định có quy mô lớn hơn so với các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ cũ nhưng CPTPP thực sự chỉ mang lại cho Việt Nam 3 thị trường mới là Canada, Chile và Mexico. Trong đó, Canada và Chile giảm thuế về 0% đối với tất cả sản phẩm thủy sản ngay khi hiệp định có hiệu lực. Mexico sẽ xóa bỏ thuế với một số sản phẩm ngay lập tức từ mức 10 - 20%, riêng thuế với cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 20% về 0% sau 3 năm.

Việt Nam đều đã ký FTA với 8 quốc gia còn lại. Tuy nhiên, Nhật Bản cam kết mở cửa rộng hơn với Việt Nam trong CPTPP so với 2 FTA trước là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong 2 FTA này cũng sẽ được hưởng thuế 0%.

Đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định EVFTA và IPA vừa được kí kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), PGS.TS. Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương - Bộ Công Thương) cho biết, 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, gần như 100% dòng thuế đối với hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ đưa về 0%, điều này sẽ mở ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, bên cạnh EVFTA, Việt Nam còn kí Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA), trong khi Việt Nam đang rất cần vốn cũng như công nghệ tiên tiến của EU, nhưng từ trước đến nay, Việt Nam không nhập được những công nghệ này vì giá thành quá đắt, khi có IPA, thuế suất đối với những mặt hàng này sẽ giảm mạnh - đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu những công nghệ hiện đại của EU nhằm đổi mới dây chuyền công nghệ.

"Những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao, nên khi Việt Nam đưa được hàng hóa vào EU, điều đó cũng có nghĩa là hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu đi khắp thế giới. Chính vì thế, EVFTA và IPA sẽ là cú hích giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, theo đòi hỏi chung của thị trường thế giới", PGS.TS. Phạm Tất Thắng phân tích.

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nửa đầu năm 2019 tăng nhẹ

Theo thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 16,67 tỷ USD, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả này thì Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ - đây là hai thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nửa đầu năm nay.

Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 6/2019, có 4 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt từ 1 tỷ USD trở lên chiếm 50,14% tỷ trọng, bao gồm: máy vi tính sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, rau quả, xơ sợi dệt các loại trong đó máy vi tính sản phẩm điện tử là nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất 3,98 tỷ USD, tăng 7,83% kế đến là điện thoại trên 1,5 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ giảm 26,27%; rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 0,97% và xơ sợi dệt đạt 1,15 tỷ USD, tăng 7,34% so với cùng kỳ 2018.

Như vậy, trong 4 nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian này thì có đến hai nhóm hàng kim ngạch sụt giảm – đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ xuất khẩu sang quốc gia này chỉ tăng có 0,34% so với cùng kỳ năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn khác của Việt Nam sang Trung Quốc có thể kể đến như: máy ảnh, máy quay phim đạt 967,33 triệu USD tăng 5,48%; Giày dép đạt 802,18 triệu USD, tăng 20,17%; hàng dệt may đạt 694,15 triệu USD tăng 9,73%;…. so với 6 tháng năm 2018.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu nhóm hàng sắt thép từ Việt Nam,

tăng đột biến. Ngoài ra các sản phẩm nhập khẩu tăng trưởng về kim ngạch còn có clanke và xi măng, hóa chất. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam, giảm 67,62% về lượng và giảm 69,41% về trị giá, chỉ với 288,7 nghìn tấn, trị giá 145,26 triệu USD.

Hàng hóa từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh 18,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 6,92 tỷ USD; trong đó riêng tháng 6/2019 đạt 1,21 tỷ USD, giảm 13% so với tháng 5/2019 nhưng tăng 6,6% so với tháng 6/2018.

Sáu tháng đầu năm 2019 có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu từ đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Nhập khẩu máy vi tính, điện tử từ Mỹ tăng rất mạnh 48,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,2 tỷ USD - dẫn đầu trong số các nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ, chiếm 31,8% trong tổng kim ngạch.

Nhóm hàng bông đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 977,31 triệu USD, chiếm 14,1%, tăng 16,3% so với cùng kỳ; sau đó là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 7,4%, đạt 514,65 triệu USD, tăng 13,5%; nguyên liệu nhựa chiếm 5,4%, đạt 375,89 triệu USD, tăng 164,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu chiếm 4,7%, đạt 325,32 triệu USD, tăng 1,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 260,57 triệu USD, chiếm 3,8%, tăng 39,8%.

Trong 6 tháng đầu năm nay đa số các nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường Mỹ vào Việt Nam tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó các nhóm hàng tăng mạnh gồm có: Ô tô nguyên chiếc tăng 106,9%, đạt 24,16 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 94,7%, đạt 8,77 triệu USD; rau quả tăng 70%, đạt 116,37 triệu USD; thủy sản tăng 66,8%, đạt 46,97 triệu USD; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 66,6%, đạt 5,04 triệu USD.

Ngược lại, các nhóm hàng nhập khẩu sụt giảm mạnh gồm có: Kim loại thường giảm 94,6%, đạt 7,12 triệu USD; lúa mì giảm 76,2%, đạt 8,68 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 47,7%, đạt 1,73 triệu USD; phân bón các loại giảm 45,3%, đạt 3,87 triệu USD.

 

Thị trường lao động

Năm 2019, ngành nghề nào lên ngôi?

- Ông Lê Quang Trung: Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), cho biết năm 2019, theo dự báo là năm sẽ hấp thụ lao động có việc làm lên tới 56 triệu người. Loại hình thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, nếu thu hút tối đa sẽ thu hút 10 triệu người trong những năm tới. Hiện các ngành công nghiệp xây dựng chiếm 70%, dịch vụ trên 27,28%. Năm 2019, thị trường chuyển trạng thái từ thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức, các ngành liên quan lĩnh vực này là khu vực cần nhiều lao động nhất. Ngoài ra là lĩnh vực giày da, điện tử thu hút nhân lực.

Đối với lao động phổ thông

Năm 2019, đối với các nhóm ngành, xu hướng chung đòi hỏi trình độ trung và cao đã hiếm thì nay càng khan hiếm hơn. Tuy nhiên đối với nhóm lao động phổ thông chỉ cần đào tạo trong ít ngày, vẫn có nhiều cơ hội ở nhóm ngành điện tử, da giày…

Trong thị trường lao động, rất nhiều ngành nghề thu hút căn cứ vào nguyện vọng, khả năng của từng cá nhân để lựa chon nghề và môi trường làm việc giúp các bạn thăng tiến nhất. Lao động phổ thông cần nghiên cứu, tận dụng những gì mình có, tham gia những khóa đào tạo ngắn hoặc dài hạn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ví dụ lao động phổ thông có thể học những nghề hết sức đơn giản để có thể làm được.

Các bạn từ nông thôn ra thành thị đang gặp khó khăn rất nhiều do môi trường, điều kiện sinh hoạt… Do đó, con đường tốt nhất là các bạn nên trang bị cho mình nghề. Thu nhập thấp thì không có điều kiện nâng cao mức sống của mình, rồi sẽ rơi vào nguy cơ thất nghiệp cao hơn.

Tại sàn giao dịch việc làm, có những trung tâm tổ chức 3-4 phiên giao dịch việc làm mỗi tuần, sẽ có nhiều doanh nghiệp đến tham dự. Phiên giao dịch việc làm làm lành lạnh, công khai minh bạch. Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm hỗ trợ NLĐ và NLĐ trong quá trình chắp nối việc làm chia sẻ thông tin, gặp gỡ trực tiếp DN. Từ đó, mỗi phiên, hàng trăm lao động được tuyển dụng vào các DN.

Cơ hội cho người cao tuổi

Rất nhiều người cao tuổi đang làm việc trong các doanh nghiệp. Họ làm việc từ cổng như bảo vệ vào đến hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Những người độ tuổi từ 68-70 tuổi vẫn có thể làm việc, thậm chí làm việc rất tỉ mỉ. Trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Họ làm những công việc giản đơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.

Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, tính đến tháng 9.2018 tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%.

Hiện cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thiếu việc làm không cao.

Tuy nhiên, chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỷ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỷ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (khoảng 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Tại TPHCM

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, kinh doanh tài sản - bất động sản, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu do giữ vị trí quan trọng trong 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ của thành phố. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực tài chính kế toán, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, điện - điện lạnh - điện công nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Theo khảo sát của Falmi, hơn 10.000 người đang có nhu cầu tìm việc làm tập trung ở các nhóm ngành như nhân viên kinh doanh - bán hàng, kế toán - kiểm toán, hành chính văn phòng, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu; cơ khí - tự động hóa. Mức lương được người lao động đề xuất từ 5 – 8 triệu đồng/tháng chiếm 33,68%; từ 8 – 10 triệu đồng/tháng chiếm 25,49%; từ 10 – 15 triệu đồng/tháng chiếm 19,46%; trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 9,65% và nhu cầu tìm việc có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 11,72%.

Về vấn đề tuyển dụng của doanh nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tán, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5.000 đầu việc được tuyển dụng tại Ngày hội việc làm do nhà trường và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố tổ chức mới đây, thì nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành công nghệ thông tin, cơ khí, ô tô, điện, điện tử, môi trường, xây dựng, tài chính, du lịch. Tuy nhiên, xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều hướng đến chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề, tính ổn định cao nhằm mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Dự báo, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh năm 2019 là 320.000 chỗ làm, trong đó 80% vị trí việc làm yêu cầu người lao động phải qua đào tạo, tập trung ở các ngành: Digital marketing (tiếp thị số), chăm sóc khách hàng, dịch vụ logistics, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thời trang, hàng tiêu dùng.

 

Thị trường tiền tệ, chứng khoán

Thị trường tiền tệ

Dữ liệu cho thấy GDP quí II của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% ghi nhận trong quí I. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn khả quan hơn mức dự báo 1,8% của các nhà kinh tế học.

"Thị trường sẽ tiếp tục nhận thấy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, tốt hơn phần lớn nền kinh tế thuộc nhóm G7 khác. Điều này tương quan với sức mạnh của đồng USD mà chúng ta sắp thấy nhờ kết quả này", ông Erik Nelson, chiến lược gia tiền tệ tại Wells Fargo Securities ở New York, nhận định.

Vào cuối phiên giao dịch tại Mỹ ngày 26/7, chỉ số USD đã tăng 0,2% ở mức 97,72. Nó đã tăng 0,9% trong tuần sau khi tăng khoảng 0,4% vào tuần trước đó.

Đồng bạc xanh được thúc đẩy thêm sau khi cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay Mỹ đã loại trừ các chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích hành vi phá giá đồng tiền của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến những đồn đoán rằng ông Trump muốn can thiệp lên tỷ giá đồng USD.

Đồng euro tăng trước khi diễn ra cuộc họp của hội đồng ECB. Mặc dù ECB đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp hôm 25/7, nhưng Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới.

Ngày 26/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.079 đồng (tăng 7 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.714 đồng (không đổi).

Đầu giờ sáng 26/7, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.150 đồng (mua) và 23.270 đồng (bán).

Vietcombank và BIDV niêm yết ở mức: 23.150 đồng (mua) và 23.270 đồng (bán). Vietinbank: 23.152 đồng (mua) và 23.272 đồng (bán). ACB: 23.140 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán).

Sự kiện thị trường ngoại hối 29/7 - 2/8

Ngày

Các thông tin công bố

Thứ Ba (30/7)

- Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định lãi suất

- Đức công bố chỉ số CPI

- Mỹ công bố chỉ số giá PCE cốt lõi

- Mỹ công bố dữ liệu tiêu dùng cá nhân

- Mỹ công bố dữ liệu niềm tin người tiêu dùng

- Mỹ công bố doanh số nhà chờ bán

Thứ Tư (31/7)

- Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất

- EU công bố dữ liệu GDP

- EU công bố ước tính CPI

- Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp ADP

- Bang Chicago công bố chỉ số PMI

- Fed quyết định lãi suất

Thứ Năm (1/8)

- Trung Quốc công bố chỉ số PMI Caixin thuộc lĩnh vực sản xuất

- Ngân hàng Trung ương Anh quyết định lãi suất

- Mỹ công bố số lượng đơn đăng kí thất nghiệp ban đầu

- Mỹ công bố chỉ số PMI sản xuất ISM

Thứ Sáu (2/8)

- Mỹ công bố cán cân thương mại

- Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp

Lãi suất liên ngân hàng

Cơ hội để hạ mặt bằng lãi suất đã xuất hiện - Ảnh 1.

Trong năm nay, NHNN lần đầu phát hành tín phiếu vào giữa tháng 3, khi lãi suất thị trường dần giảm sau đà tăng mạnh giai đoạn tháng 2, thời điểm cận Tết Nguyên đán. Lãi suất tín phiếu kỳ hạn một tuần là 3%, được duy trì đến hết ngày 18-7 vừa qua.

Tại phiên gọi thầu ngày 19-7, NHNN đã phát hành thành công 10.000 tỉ đồng tín phiếu với lãi suất 2,75%.

Đây là lần đầu tiên trong năm NHNN hạ lãi suất điều hành, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Mức giảm này được xem là có ảnh hưởng từ việc Fed gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vào ngày 30 và 31-7 tới đây.

Như vậy, NHNN đã hạ lãi suất trước cả Fed - một động thái điều hành lãi suất tín phiếu chưa có tiền lệ.

Hiện tại, Fed gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất nên việc NHNN hạ lãi suất sớm chỉ là vấn đề thời điểm. Hơn nữa, Fed vẫn bỏ ngỏ khả năng hạ 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm trong lần này. Nếu Fed cắt 0,5 điểm phần trăm thì rất có thể NHNN sẽ còn hạ tiếp lãi suất tín phiếu.

 Thị trường chứng khoán

Đánh giá về thị trường ngắn hạn, các chuyên gia đồng thuận nhận định VN-Index sẽ sớm chạm tới ngưỡng 1.000 điểm trong tuần 1/8. Tuy nhiên khả năng đi cao hơn lại phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự lan tỏa tăng giá sang các cổ phiếu khác hay không, hay có thể gia tăng thanh khoản mạnh mẽ hơn.

Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục tăng hướng tới các mốc cao hơn. Kịch bản yếu hơn, thị trường không có thanh khoản tốt và áp lực chốt lời lớn quanh mốc 1.000 điểm có thể dẫn đến nhịp điều chỉnh.

Với quan điểm tích cực về thị trường, các chuyên gia vẫn tiếp tục duy trì danh mục mà không thực hiện chốt lời.

“Tôi không cho rằng thị trường đang rơi vào nhịp phân phối. Trong nền tảng tăng giá đầu tiên khi thị trường chuyển từ trạng thái giảm sang tăng, việc các cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến tăng điểm tích cực là điều cần thiết để dẫn dắt thị trường vượt qua các ngưỡng cản quan trọng, qua đó giúp củng cố đà tăng cho thị trường trong ngắn hạn”, theo ông Trần Xuân Bách.

 

(Bybiz Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Đăng nhập

Đăng nhập

» Quên mật khẩu

» Đăng ký thành viên mới

Tìm kiếm

Tìm kiếm