Bybiz - Bệ phóng cho những giá trị cốt lõi
Thông Tin Tư Vấn
Thị trường bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nhìn tổng thể thị trường bất động sản kể từ năm 2007, có thể thấy có hai thời điểm thị trường "bong bóng”, đó là năm 2007, đầu năm 2008 và năm 2010; và hai giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008-2009 và năm 2011-2013; tức biên độ cách nhau khoảng 3 năm.
Từ cuối năm 2013, thị trường bất động sản đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, năm 2015 thị trường đã đạt mức tăng trưởng cao, riêng năm 2016 có sự sụt giảm nhẹ, còn năm 2017 thị trường tăng trưởng nhẹ trở lại, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường đã có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những ý kiến lo ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu khẳng định, không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018, bởi các cơ quan Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng". Trong khi đó, các chủ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp và cả người tiêu dùng đều thông minh hơn trước.
Thống kê của CBRE cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ đón hơn 400.000 m2 diện tích bán lẻ trong 3 năm tới nên tỷ lệ mặt bằng trống sẽ tăng lên khá nhiều và đa phần nằm ở khu ngoài trung tâm. Sự chênh lệch giá thuê cũng như tỷ lệ trống giữa khu trung tâm và ngoài trung tâm đang là nghịch lý tồn tại nhiều năm tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ ngày càng lớn trong hai năm tới.
Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ "ảm đạm" về nguồn cung nhưng giao dịch vẫn diễn biến khả quan ở thị trường đất nền và căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Đặc biệt, theo dự báo của nhiều đơn vị phân tích, trong thời gian tới phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng lựa chọn của giới đầu tư.
TP.HCM vừa thông qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025, trong đó nêu rõ không cấp phép xây dựng thêm nhà ở cao tầng khu trung tâm (quận 1 và 3). Điều này được dự đoán sẽ có tác động tích cực trong việc thúc đẩy các dự án căn hộ cao cấp ở khu đô thị mới, thúc đẩy chủ đầu tư ở đây phát triển các dự án ở trong khu vực quy hoạch làm khu đô thị mới như khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2.
Một số chuyên gia nhận định, lượng khách nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Châu Á vẫn tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam, tạo điều kiện góp phần phát triển các dự án hạng sang, cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhìn nhận những tháng sắp tới, tình hình giao dịch phân khúc bất động sản này vẫn không mấy khả quan.
Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2018 của JLL Việt Nam cho hay, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc. Cũng trong một phân tích của Bộ phận Nghiên cứu Savills, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía bởi tiềm năng phát triển trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Á sang Âu nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Thị trường hàng hóa
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ số phát triển kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật là kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các Hiệp định thương mại tự do FTA đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho cả các nông hộ. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dù có được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khá khả quan, nhưng thị trường vẫn là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng xuất khẩu. Nhất là, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu và yếu về công tác dự báo cung - cầu thị trường, thiếu thông tin về chính sách và thị trường xuất khẩu...
Các sản phẩm, lĩnh vực đang có xu hướng tăng trưởng ổn định là dệt may, rau quả, hạt điều, cà phê, cao su, chất dẻo, gỗ và xuất khẩu phần mềm. Gạo thô xuất khẩu đang có giai đoạn chững lại những năm gần đây và theo đó các công ty chế biến gạo muốn phát triển bền vững cần chuyển sang các loại gạo tinh chế, chế phẩm từ gạo…
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2017. Theo đó, số lượng doanh nghiệp trong danh sách tập trung đông nhất ở các ngành hàng như cà phê, gạo, thủy sản, cao su, dệt may, gỗ, chất dẻo, thể hiện các ngành hàng này đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ, trong xu thế kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao trong năm 2017 cũng như nửa đầu năm 2018, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã hoàn tất thủ tục pháp lý, chuẩn bị được ký kết và đi vào thực thi trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm tới, khi Việt Nam cũng như các quốc gia châu Âu phải cắt giảm tới 99% hàng rào thuế quan cho các loại hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Thị trường chứng khoán
Vừa qua chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có buổi trình bày trước thượng viện về hoạt động nền kinh tế Mỹ thời gian qua cũng như xu hướng thời gian tới, trong đó có đánh giá tác động về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chủ tịch FED nhận định vấn đề căng thẳng không ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, theo đó, chứng khoán Mỹ tăng tốt. Điều này cũng tác động tích cực tới chứng khoán Việt Nam trong phiên 18/7 (VN-Index tăng 2,29%, tỷ lệ tăng cao nhất trong vòng gần 2 tháng qua).
Thị trường chứng khoán tới đây sẽ là một kênh để cấp vốn cho thị trường bất động sản. Luật sư Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tổng giá trị bất động sản khoảng 25 tỷ USD, trong đó trên 80% vốn đến từ các ngân hàng, tương ứng 450.000 tỷ đồng. Vị chuyên gia này cho rằng thay vì phụ thuộc vào dòng vốn từ hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản cần tìm kiếm nguồn vốn dài hạn từ nhiều kênh khác, trong đó có thị trường chứng khoán.
Tuy 3 tháng qua mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã đảo chiều mạnh nhưng ông Tín cho rằng thời gian tới khi thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc thì chứng khoán Việt cũng tăng trưởng tốt trở lại.
Theo Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta, thị trường đã cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản, đặc biệt xu hướng ngắn hạn của các chỉ số chính vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, tôi giữ quan điểm thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch tới và dòng tiền sẽ tiếp tục cải thiện dần, nhưng thị trường cũng có thể sẽ xuất hiện nhịp rung lắc trong phiên hoặc điều chỉnh nhẹ khi áp lực chốt lời gia tăng.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường CTCK MBS ,cơ hội là chia đều cho các cổ phiếu trong đó có cổ phiếu nhỏ, tuy nhiên chỉ những cổ phiếu có tính thanh khoản cao cùng kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng hoặc không nằm trong danh mục bán ròng của khối ngoại sẽ là những cổ phiếu được ưu tiên, ngoài ra những cổ phiếu có “câu chuyện” và mang tính đầu cơ cũng sẽ thu hút dòng tiền đầu tư.