Bybiz - Bệ phóng cho những giá trị cốt lõi
Thông Tin Tư Vấn
Nếu như trong tác phẩm Hà Nội 36 phố phường, ta có những dãy phố Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đường v.v. mang tên những cửa hiệu thương mại mua bán sản phẩm cùng tên với dãy phố, thì TPHCM cũng có những dãy phố từ lâu đã gắn liền với một dòng sản phẩm/ dịch vụ/ hàng hóa v.v. mà khi nhắc đến tên dãy phố hoặc tên loại hình sản phẩm dịch vụ, tự dưng ta lại thoáng gợi nhớ hình ảnh con đường trong tâm trí.
Một ví dụ là phố sách cũ Trần Nhân Tôn. Sở dĩ Bybiz chọn giới thiệu phố sách cũ, là bởi vì (a) trải qua mùa dịch phố sách cũ vẫn hoạt động rất tốt, vừa duy trì hoạt động truyền thống, vừa ứng phó để nâng chất dịch vụ (b) sự ứng biến kịp thời của phố sách cũ, có khi còn trước cả khi đại dịch diễn ra về phong cách dịch vụ (c) Dù rằng phố sách không phải là ít ở TPHCM, như đường sách kế bên bưu điện thành phố, nhưng nhiều bạn sinh viên, học trò thành phố Hồ Chí Minh thế hệ 7X, 8X, và một phần 9X hẳn không thể nào quên những buổi đạp xe từ đại lộ Nguyễn Chí Thanh xuôi dọc Trần Nhân Tôn lên Nguyễn Thị Minh Khai (phố hiệu sách) để tìm kiếm những quyển sách khó kiếm nay đã không còn bán trên thị trường, những buổi đọc sách trong những hiệu sách cũ vương mùi giấy của những tờ giấy in đã nhuộm màu thời gian.
Trước một chút và trong đại dịch, phố sách đã có những thay đổi rất nhanh chóng kịp thời thích ứng, cụ thể như việc nhiều cửa hàng treo biển số điện thoại để khách hàng liên hệ và đăng thông tin dịch vụ mua bán trao đổi ký gửi sách tận nhà. Bước vào các hiệu sách sẽ thấy một số nơi đã ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm quản lý sách) để tra cứu thông tin đầu sách mình sở hữu v.v. Đây là những thay đổi rất nhanh chóng thể hiện tinh thần thái độ phục vụ của những hộ gia đình/ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ/ tiểu thương ngành sách cũ TPHCM – điều tưởng chừng khó tìm thấy ở tên gọi của dòng sách – sách cũ.
Ông bà ta nói "Cũ người mới ta". Cũng có người nói rằng đôi khi tôi tìm thấy giá trị lớn lao ở những điều bé nhỏ. Những quyển sách một khi ta đã không còn dùng đến vẫn còn đâu đó có người cần. Giá trị được chuyển tải từ người này đến tay người kia thông qua những hiệu sách cũ, khi thì phải tân trang, khi thì phải tháo dán v.v. để lưu giữ kho tàng tri thức bản in sang đến tay chủ mới sạch đẹp, không quá cũ mốc.
Khi sách giáo khoa hoặc các dòng sách cần thiết cho học tập/ nghiên cứu điều chỉnh tăng giá, phải chăng nên có những website/ ứng dụng hỗ trợ chuyển tải thông điệp gửi tặng/ bán lại sách giáo khoa, cho các bé xuất phát từ phố sách cũ ngày xưa?